Một ấm trà ngon không chỉ giúp kết nối lại mọi người lại với nhau hơn mà còn thể hiện tình cảm hiếu khách, kính trọng đối với bề trên và là nét đẹp truyền thống trong văn hóa Việt. Vậy để sở hữu một ấm trà ngon chúng ta cần phải chuẩn bị những gì? Câu nói :“ Nhất thủy, nhì trà, tam pha , tứ ấm, ngũ quần anh” không chỉ là câu truyền miệng mà còn là nguyên lý bất biến để sở hữu một ấm trà tuyệt hảo.
Ở thời xưa, quan lại vua chúa thường uống trà bằng các hứng sương trên lá sen. Mỗi lá thường có ít nên phải chắt chiu ở thật nhiều lá mới đủ nước cho một ấm trà. Ở tầng lớp bình dân thì thường dùng nước giếng hoặc nước mưa lắng đọng để pha . Nói chung, nước pha trà phải là nước tinh tiết thì mới làm dậy lên được cái mùi, cái vị của loại trà đang pha.Thế mới nói không phải tự dưng nước được xếp số 1 trong các yếu tố tạo nên một ấm trà ngon .
Quá trình đun nước trong ấm cũng rất quan trọng. Trước khi đun phải tráng sạch ấm bằng nước sôi và phải đun trên lò than đượm. Khi đun đảm bảo nước đun vừa đủ sôi.
Tùy thuộc đặc trưng của các vùng miền cũng như không gian, thời gian, tính chất công việc để chọn loại trà phù hợp. Người Việt xưa thường dùng trà tươi hái trong ngày dùng để pha nhưng hiện nay lại sử dụng trà khô vì tính thuận tiện của chúng. Các loại trà như bạch trà, trà xanh, trà vàng.. được dùng vào buổi sáng bởi tính chất nhẹ nhàng, không làm “say” người uống. Với buổi chiều, các loại trà như ô long, trà đen, trà phổ nhĩ… lại thích hợp hơn cả.
Không quan trọng bạn dùng loại trà gì nhưng loại trà pha phải là các loại trà ngon với búp đều không vụn, ấm trà pha xong phải thơm ngát, có vị chát nhẹ nhưng ngọt hậu bền lâu.
Quy trình pha trà đều trải qua sự kỳ công, tỉ mỉ và mỗi loại trà lại có cách pha trà khác nhau. Nhưng chung quy lại, cách pha trà được chia thành các bước sau:
Tráng ấm, chén: Trước khi pha trà cần tráng nhẹ qua ấm, chén bằng nước sôi để đảm bảo vệ sinh cũng như loại bỏ bụi bặm trên ấm. Hơn thế, việc tráng bằng nước sôi giúp trà thích ứng được với nhiệt độ nước pha, tránh vỡ, mẻ ấm và giữ lại được hương trà lâu hơn.
Đánh thức trà: Cho một lượng nhỏ từ 5-10 g trà vào ấm sau đó cho nước sôi và lắc vài vòng rồi đổ nước đi.
Hãm trà : Đổ từ từ nước sôi vào ấm trà sau đó đợi 1 đến 3 phút. Tùy thuộc vào khẩu vị mỗi người mà thời gian đợi có thể nhanh hay lâu.
Thưởng thức: Rót trà ra và thưởng thức hương vị.
Ngoài các yếu tố trên thì ấm pha trà cũng đóng một vai trò nhất định trong việc tạo nên một ấm trà ngon. Các loại ấm được làm từ chất liệu tốt sẽ giúp giữ hương và giữ nhiệt của trà được lâu hơn. Hiện nay, dòng ấm Bát Tràng là dòng ấm được ưa chuộng bởi tính chất đất tốt giữ được hương, vị cũng như độ an toàn khi sử dụng.
Ngũ quần anh là người thưởng trà cùng. Theo đó, chén trà có ngon thì những người thưởng trà cũng rất quan trọng. Có một người bạn trà là có thêm một người tri kỷ bởi không phải ai cũng có sự đồng điệu về trà.
Bên cạnh đó, việc rót trà ra chén cũng phải hết sức lưu tâm. Khi rót phải rót ra chén tống trước rồi mới rót lần lượt từng chút một ra những chén quân rồi xoay vòng. Điều này giúp các chén trà khi rót có độ đậm nhạt tương tự nhau.
Với người Việt, trà không chỉ là một thói quen mà còn là nét đẹp truyền thống từ bao đời nay. Khi thưởng trà, con người ta như quên mọi ưu tư, phiền muộn và thêm gắn kết với nhau hơn.